7 nguy cơ cơ bản ảnh hưởng tới người trẻ
Chia sẻ tại Tọa đàm an toàn không gian mạng cho sinh viên vừa diễn ra tại Hà Nội,ừađảotrênkhônggianmạngbủavâysinhviêlưỡi gươm diệt quỷ Lê Bảo Ngọc Minh, sinh viên Trường ĐH Anh quốc Việt Nam (Hà Nội), cho biết khi còn là học sinh một trường THPT ở Hà Nội, em và các bạn đã từng nhiều lần bị "tấn công" khi sử dụng mạng.
"Chúng em thích chụp ảnh bản thân diện các bộ quần áo thời trang rồi đăng ảnh lên Instagram. Sau đó, chúng em nhận được những tin nhắn công kích cá nhân hoặc những bình luận khiếm nhã. Đọc những ngôn từ đó chúng em rất sốc, sau đó thì sợ hãi. Nhiều bạn đã phải đóng tài khoản lại", Minh cho biết.
Trước câu chuyện trên, diễn viên Thu Quỳnh, Phó bí thư Chi đoàn Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội), cho biết cô cảm nhận được nỗi sợ hãi đó của những nữ sinh còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, đồng thời cảnh báo rằng các em sẽ có nguy cơ bị "tấn công" trên mạng nặng nề hơn nhiều. Đưa ra ví dụ các em có thể bị lừa đảo, là nạn nhân của tin giả, thậm chí sẽ vô tình thành thủ phạm phát tán tin giả…, Thu Quỳnh mong các em sớm có ý thức trang bị kiến thức về sử dụng mạng để có biện pháp tự vệ đúng đắn.
Theo thông tin tại tọa đàm,sự phát triển của internet hiện nay đạt đến mức độ mà khoảng cách giữa không gian thực tế và không gian ảo gần như không còn. Bên cạnh tác động tích cực, không gian mạng đang ngày càng bộc lộ những hạn chế, tác động tiêu cực đến đời sống cả vật chất và tinh thần đối với người trẻ. Các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo nhưng hằng ngày, hằng giờ vẫn có những vụ việc như lừa đảo, thông tin sai sự thật, bị bắt nạt… diễn ra với những tình huống cũ hoặc phát sinh mới. Nạn nhân đang chuyển hướng sang người già và học sinh, sinh viên.
"Thống kê cho thấy, có 7 nguy cơ cơ bản ảnh hưởng tới người trẻ gồm: bị đánh cắp danh tính cá nhân (bị vướng vào các rắc rối với pháp luật dù mình không hề vi phạm); bị bắt nạt trực tuyến (xuất hiện ngày càng nhiều, ảnh hưởng tới tâm lý, thậm chí gây trầm cảm); quấy rối trên không gian mạng; một số tệ nạn khác như buôn bán người, nghiện game, lừa đảo trực tuyến, xem hoặc tiếp cận với các nội dung trái phép, tiếp xúc với tin giả", anh Nguyễn Nhất Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo (T.Ư Đoàn), cho biết.
Bà Đinh Như Hoa (Cục An toàn Thông tin, Bộ TT-TT) cho biết, theo chu kỳ thông thường, cuối năm thường là khoảng thời gian rộ lên các hình thức lừa đảo trực tuyến. Nhưng theo thống kê của Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm, hình thức lừa đảo trực tuyến tăng mạnh 30% so với cùng kỳ năm 2022. Điều đó cho thấy sự gia tăng nhanh các vụ lừa đảo trên mạng, mà học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ lớn trong số nạn nhân các vụ lừa đảo.
Trang bị đủ kiến thức để nhận thức rủi ro
Hiện nay, Bộ TT-TT đã thống kê được 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, trong đó có 13 hình thức xảy ra với với học sinh, sinh viên. Các hình thức quen thuộc hàng đầu là lừa đảo combo du lịch giá rẻ, lừa đảo cuộc gọi, có cuộc gọi xưng hẳn là của Bộ TT-TT. Có nhiều cuộc lừa đảo liên quan tới việc cài cắm các ứng dụng hoặc link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen...
"Theo những phản ánh mà chúng tôi nhận được, có rất nhiều cuộc gọi đến mời tham gia click vào các trang mạng mua sắm, khi thực hiện các hành động mua hàng thì người mua sẽ được trả các khoản phí. Thường các đối tượng sẽ trả phí đúng như cam kết vào những lần đầu. Rồi đối tượng mời bạn tham gia vào các nhóm, trên nhóm thể hiện các thông tin rất chuyên nghiệp, bài bản như trả phí, chúc mừng các thành viên trong nhóm thực hiện thành công", bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, sau khi các sinh viên thấy quen thuộc với hoạt động của nhóm, ấn tượng về sự đàng hoàng, minh bạch, rõ ràng của nhóm, với những giao dịch nhỏ khoảng 500.000 - 1.000.000 đồng thì sẽ được yêu cầu thực hiện các giao dịch lớn hơn, từ mấy chục triệu đến mấy trăm triệu đồng, được hứa hẹn khoản hoa hồng 10 - 15%. Sau đó, các bạn sinh viên được mời thoát khỏi nhóm hiện có để gia nhập nhóm VIP. Nhưng kết cục là họ chẳng được gia nhập nhóm nào cả và bị mất toàn bộ số tiền.
Diễn viên Thu Quỳnh chia sẻ thêm câu chuyện mới đây, tại Thái Nguyên, khi tham gia cùng T.Ư Đoàn phát động cuộc vận động "Ứng xử văn minh trên không gian mạng", cô đã đặt vấn đề với các bạn sinh viên ở đó về góc độ liệu đã bao giờ các bạn biến mình thành người cả tin trên mạng xã hội, từ cả tin mà các bạn vô tình thành thủ phạm phát tán tin giả? Từ đó, cô đưa ra lời khuyên: "Điều quan trọng là mỗi người phải trang bị kiến thức và ý thức cá nhân để tự bảo vệ bản thân trên mạng xã hội, kịp thời báo cho cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc".
Phó bí thư Chi đoàn Nhà hát Tuổi trẻ nhắn nhủ tới các bạn trẻ: "Hãy vững vàng! Nếu không làm sai, chúng ta không có gì phải sợ. Hãy cùng chống lại những tiêu cực trên mạng xã hội. Quan trọng là không để tinh thần bị ảnh hưởng. Thay vì lên mạng để tranh cãi khiến câu chuyện đi quá xa, chúng ta hãy nhờ đến cơ quan chức năng để tìm kiếm sự bảo vệ, hỗ trợ kịp thời".
Anh Nguyễn Nhất Linh cũng bày tỏ sự tán thành với lời khuyên của diễn viên Thu Quỳnh: "Có 3 sự hỗ trợ mà học sinh, sinh viên cần nghĩ đến ngay khi gặp sự cố, đó là gia đình, nhà trường, chuyên gia tư vấn tâm lý".
Bà Đinh Như Hoa cũng cho rằng hiện nay, khi sử dụng mạng internet, quan trọng nhất là phải trang bị để có được các kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm nhằm nhận thức rủi ro, đưa ra hành động để bảo vệ mình trên mạng. Cục An toàn thông tin đã đúc kết một số nguyên tắc tham gia môi trường mạng an toàn, gọi là nguyên tắc 4T gồm: tuân thủ, thận trọng, thông minh, tử tế.